Tục kéo vợ hay bắt vợ của người H’Mông là truyền thống và phong tục có từ lâu đời và mang bản sắc rất riêng tại Lào Cai. Đây là thủ tục không thể thiếu của người H’mông trước khi lễ cưới diễn ra. Việc kéo vợ hoàn toàn tự nguyện, phải được sự đồng ý của cô gái. Khi con gái H’mông kết hôn với người nước ngoài, thủ tục này thường bị bỏ qua’.
Nguồn gốc của tục kéo vợ
Việc kéo vợ xuất phát từ tư tưởng mẫu hệ xa xưa của người H’mông mang ý nghĩa bảo vệ người phụ nữ trong các cuộc hôn nhân. Người nào muốn bỏ vợ phải chia tài sản, ruộng đất cho vợ vì ngày trước, chồng là người kéo cô về, giờ bỏ cô, cần đền bù xứng đáng. Thế nhưng, việc vợ chồng ly hôn ở người dân tộc H’mông rất hiếm
Tục kéo vợ ngày xưa mang ý nghĩa tốt đẹp, đề cao giá trị người con gái, thể hiện sự chân thành của chàng trai, mong lấy cô gái đó làm vợ
Ý nghĩa của tục kéo vợ
Trong cuộc sống mặc dù đôi trai gái yêu nhau đắm đuối, từng thề thốt cùng chung sống với nhau cả đời, lúc lấy nhau thật cũng phải tổ chức kéo thì cô gái mới chịu về nhà chồng. Không có cô gái nào tự bước chân về nhà chồng cả, ý nghĩa chính của việc kéo vợ thể hiện sự danh giá của người con gái qua ba nghĩa chính:
– Thứ nhất: Cô gái không bị xã hội đánh giá thấp hèn cam chịu chay theo con trai một cách mù quáng hạ thấp mình để hầu hạ nhà trai.
– Thứ hai: Người con trai thực sự cần lấy cô gái làm vợ thật với thiên chức của người mẹ mới tổ chức kéo vợ, thể hiện thái độ rõ ràng cụ thể.
– Thứ ba: Tránh sự đồn thổi tai tiếng xấu của xã hội và sự ngược đãi sau này của người chồng và người nhà trai.
Thủ tục kéo vợ
Thủ tục kéo vợ được diễn ra bài bản, có người thân của chàng trai đi cùng. Những người này có đạo đức, lối sống tốt, gia đình hạnh phúc. Cách thức kéo cũng hết sức tinh tế.
Đầu tiên chàng trai thông báo với bố mẹ. Bố mẹ mời họ hàng đến, tổ chức đi kéo. Mọi chuyện được giữ bí mật đến phút chót.
Chàng trai tìm gặp cô gái, hai người đang trò chuyện thì nhà trai bất ngờ từ xa chạy đến, cùng chàng trai kéo cô gái về nhà. Cô gái dù bằng lòng nhưng vẫn phản kháng, khóc lóc lấy lệ.
Lúc này, người nhà cô dâu mang gậy ra ngăn cản. Thanh niên bên nhà trai xông ra đỡ đòn (theo luật lệ của người H’Mông là đã đi ‘kéo vợ’ thì nhà trai không được phép đánh lại nhà gái). Sau đó, cô gái đàng hoàng theo chàng trai về nhà.
Trường hợp các cô gái nếu không thích kết hôn với chàng trai đã kéo mình về nhà, có thể rời đi. Nhà trai không có quyền giữ cô gái đó lại.
Trường hợp cô gái ưng ý, nhà chú rể lập tức cắt tiết gà, đánh dấu việc cô gái đã trở thành người nhà mình.
Tuy nhiên, ngày nay tục lệ này bị biến tướng, qua 1 số hoạt động như lễ hội, chợ phiên, các thanh niên bộc phát cảm xúc, lợi dụng phong tục, kéo cô gái về nhà theo kiểu ép buộc dù cô gái đó không quen biết chàng trai.