Trong những ngày lễ hay giỗ chạp… mọi người thường tưởng niệm người đã khuất bằng cách đốt tiền vàng, đây cũng là tục lệ gây ra nhiều tranh cãi hiện nay. Vậy hãy cùng khám phá nguồn gốc của phong tục này nhé!
1. Nguồn gốc của phong tục đốt tiền vàng
Phong tục đốt tiền vàng hay đốt vàng mã vốn xuất phát từ Trung Hoa. Người xưa kể lại rằng vua Văn Vương nhà Chu là một minh quân hiếm có. Ông lãnh đạo một tiểu quốc phục tùng thiên tử nhà Thương lúc ấy là vua Trụ. Vua Trụ nổi tiếng tàn ác, ham mê sắc đẹp Đắc Kỷ, giết hại hầu hết các trung thần, nhưng Văn Vương vẫn hết lòng phục vụ theo quan niệm chữ Trung thời trước.
Sau đó Văn Vương tìm được một bậc đại tài về giúp sức, đó là Lã Vọng, tức Khương Tử Nha, một ông già tuổi đã trên 70, ngày ngày ngồi câu trên sông Vị. Nhờ công của Văn Vương mà lật đổ được vua Trụ, chấm dứt nhà Thương, lập nên nhà Chu kéo dài hơn 700 năm. Vua Văn Vương được coi là bậc đại hiền, khai quốc công thần mở nghiệp nhà Chu.
Người dân sau đó truyền tai nhau rằng vua chết được vài hôm thì Ngọc Hoàng lại cho vua sống dậy, bởi Nam Tào và Bắc Đẩu nhầm lẫn, tính lộn sổ sách chứ thực ra Văn Vương chưa tới số! Sau mấy ngày vào cõi âm, Văn Vương trở lại trần gian cho mọi người biết rằng: Thế giới bên kia tội nghiệp lắm, thiếu thốn đủ thứ, người dương gian nên gửi hàng xuống tiếp tế để thân nhân dưới ấy có cái mà tiêu dùng giống như trên trần!
Từ đó, vua chúa và các đại gia hễ chết là có phong tục chôn theo vàng bạc châu báu, coi như lộ phí mang theo cho cuộc hành trình đi về nơi xa! Giàu thì chôn nhiều, nghèo thì chôn ít, nói chung ai cũng mang theo ít nhiều! Ngoài ra khi vua chúa khi chết, triều đình còn chôn theo hàng loạt cung phi và nàng hầu, dĩ nhiên gồm toàn những người đẹp nhất để hầu hạ vua bên kia thế giới!
Các ông nhà giàu cũng bắt chước vua chúa. Chết nằm một mình bên cạnh giun dế, thấy cô đơn trong lòng đất nên cũng bắt chôn theo những cô vợ bé, những nàng hầu xinh đẹp để đỡ quạnh hiu. Những bà vợ cả bao nhiêu năm ngậm đắng nuốt cay nhìn chồng say đắm những nàng hầu trẻ trung, bây giờ chồng chết, thừa dịp này chôn sống một loạt các nàng hầu của chồng, vừa để hả giận, vừa được tiếng là lo cho chồng ở cõi bên kia!
Trong xã hội phong kiến thời xưa đàn ông nắm thế thượng phong, toàn quyền sinh sát nên chế ra phong tục độc ác là hễ chồng chết thì vợ cả vợ bé đều phải tự sát ngay trước mộ! Rồi các nàng hầu thì bị giết hoặc chôn sống theo để xuống hầu hạ đấm bóp cho chủ! Phong tục này kéo dài nhiều thế kỷ, rồi con người phát triển văn minh hơn mới làm những mỹ nhân bằng giấy, đem đốt đi thay cho người thật.
Qua bao nhiêu năm tháng, vua chúa và thành viên các gia đình giàu có cứ mỗi người nằm xuống là xã hội lại mất đi khá nhiều của cải! Đến đời nhà Đường, thế kỷ thứ 8, triều đình mới nhận ra sự phí phạm ấy nên vua Đường Huyền Tông đã bãi bỏ tục chôn của cải theo người chết.
Từ đó, người ta mới nghĩ ra vàng mã, tức là in tiền giả, gọi là “tiền âm phủ” để gửi cho người thân, bạn bè dưới suối vàng. Tiền âm phủ thường in bằng loại giấy bản, giấy xấu, để khi đốt thì tàn tro dễ bay đi. Khi đốt tiền âm phủ, người ta gọi là “hóa vàng”. Như vậy là tiết kiệm được biết bao nhiêu của cải đắt giá chôn theo người chết. Sau này, chỉ có vua khi băng hà, kể cả vua nước ta, mới chôn theo các đồ dùng hằng ngày của vua lúc sinh thời. Còn những người nhà giàu, nhất là người Hoa, khi chết cũng giảm thiểu gần hết, có khi chỉ chôn theo cái nhẫn hoặc bộ ấm tách là thứ mà ông rất thích khi còn sống.
Vì thế mọi người bắt đầu đổ dồn vào việc đốt tiền vàng để gửi xuống âm phủ cho người thân tiêu dùng. Đây là hành động tưởng nhớ người đã khuất mà không gây tốn kém cho người còn sống. Hiện nay người Viêth đốt tiền vàng vào ngày đám tang, các ngày lễ, Tết quanh năm đặc biệt là rằm tháng Bảy cúng vong hồn bơ vơ.
Từ việc in tiền giả, tức tiền âm phủ, người ta dần dần chế ra đủ các thứ vật phẩm như áo, quần, khăn, yếm, giày, dép, ô, nón, chăn, gối, tráp, ống nhổ, nồi, niêu, xoong, chảo, mâm, bát, điếu cày, … Nói chung là người sống dùng thứ gì thì khi chết người nhà cũng sẽ mua đủ các thứ ấy để đốt mà gửi xuống vì sợ dưới ấy không có chợ trời bán những mặt hàng này!
2. Nhà Phật nói về tục lệ đốt vàng mã
Các Tăng Ni cho viết trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Đạo Phật chỉ khuyên trong ngày Lễ vu lan thì mọi người nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ đồng thời làm Lễ xá tội vong nhân cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh. Ngoài ra việc này còn giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian.
Bên cạnh đó các tăng ni cũng cho rằng việc đốt vàng mã là mê tín dị đoan và sai hoàn toàn. Mọi người vẫn có câu trần sao âm vậy nhưng vàng mã của mọi người về dưới đó có tiêu được không, quần áo mọi người đốt về có vừa với kích cỡ của người thân đã khuất không. Nếu cha mẹ cõi âm chỉ mong chờ những ngày lễ để được miếng cơm, manh áo, căn nhà… thì những tháng ngày còn lại, tổ tiên ông bà, cha mẹ ăn, mặc, ngủ, nghỉ ở đâu?
Đốt vàng mã là hủ tục đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Thậm chí, nhiều người coi đó là một trong những nét văn hoá của phong tục thờ cúng gia tiên. Tuy nhiên đốt tiền vàng với số lượng nhiều và giá tiền lớn, trong khi người thân đã mất lại không thọ dụng được thì chẳng những không mang lại lợi ích cho người chết mà người sống cũng bị ảnh hưởng vì gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ tạo ra hỏa hoạn, tốn kém tiền bạc nên mọi người hãy suy xét để chuyển hóa.
Bài viết trên của website xosomiennam.net.vn đã gửi đến độc giả thông tin về tục lệ đốt tiền vàng, hy vọng sẽ giúp độc giả trong việc tìm hiểu thêm về phong tục tập quán của quê hương. Ngoài ra độc giả có thể tham khảo thêm về các bước tiến hành một đám tang nếu muốn nhé!